Tác hại của rau muống nhiễm chì
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Khi người dân sử dụng, rau muống nhiễm độc chì sẽ tích tụ vào các tổ chức cơ quan như não, thận, gan, xương, tủy xương, hồng cầu... gây nên nhiều bệnh tật nguy hại đến sức khỏe. Nhiễm độc chì mãn tính có thể dẫn đến một số bệnh như suy nhược thần kinh, mất ngủ, người mệt mỏi, đau đầu, thiếu máu...
Đặc biệt, khi chì nhiễm vào xương có thể gây nên tình trạng canxi hóa sớm, người lớn sẽ dễ dàng bị loãng xương. Trẻ có thể bị hội chứng não cấp do nhiễm độc chì như bị nôn mửa, co giật và hôn mê. Khi bị nhiễm độc mãn tính có thể khiến trẻ bị chậm lớn, kém thông minh, chỉ số IQ thấp so với bạn bè cùng trang lứa.
Hơn nữa, khi người dân sử dụng rau muống nhiễm chì, kim loại nặng này sẽ tích tụ dần trong cơ thể với hàm lượng cao, gây nguy hại đến sức khỏe. Biểu hiện dễ thấy nhất là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính. Do đó, người tiêu dùng nên biết cách chọn rau muống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Dấu hiệu nhận biết rau muống nhiễm chì
Hình dáng, màu sắc rau muống
Rau muống nhiễm chì có lá màu xanh đen do hấp thụ quá nhiều kim loại nặng trong đó có chì. Thân rau muống to hơn bình thường và khi rửa rau nổi bong bóng quá nhiều.
Nước luộc rau muống
Thông thường, bát canh rau muống sau khi luộc nếu vắt chanh vào sẽ chuyển sang màu hanh vàng và hơi trong. Nguyên nhân là do chanh tươi làm chết đi chất diệp lục và làm chuyển màu nước. Còn nếu nước luộc rau muống chuyển sang xanh đen và khi vắt chanh vào nước vẫn không thay đổi màu sắc thì đó là rau muống đã nhiễm chì.
Hương vị rau muống
Rau bị nhiễm độc chì thường có vị chát.
Cách chọn rau muống ngon, an toàn
Không nên chọn những mớ rau cọng quá to, thường chỉ to bằng đầu đũa ăn cơm, tránh mua phải những mớ rau cọng to bất thường.
Không nên chọn mớ rau quá xanh mướt, nhìn từ xa lá xanh óng lên, bẻ thấy cọng rất giòn, lá màu xanh sẫm.
Đặc biệt khi rửa rau mà thấy nổi lên nhiều bong bóng là chắc chắn rau có nhiễm hóa chất nước rửa bát, chất tẩy rửa.
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống khuyên người dân nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn.
Ngoài ra, trước khi nấu nên rửa nhiều lần bằng nước sạch và ngâm rau trong nước muối khoảng vài giờ đồng hồ để giảm nồng độ các chất hóa học còn bám dính.
Món dễ chế biến với rau muống
Rau muống luộc
Trong tiết trời oi bức, một đĩa rau muống luộc, nước rau muống dầm sấu hoặc vắt chanh, thêm vài ba quả cà muối, thịt luộc thì sơn hào hải vị cũng nhường chỗ. Không chỉ kích thích vị giác, rau muống luộc còn là vị thuốc giải nhiệt. Nước rau muống thêm chút chanh hay sấu, bổ sung đủ chất muối khoáng và vitamin C cho cơ thể khi bị ra mồ hôi nhiều.
Chú ý nên chọn mua rau mới (rau mới ra đợt đầu của mùa mới) với lá xanh mướt, đốt dài, cọng nhỏ, lá nhỏ thì luộc lên nước trong xanh, cọng rau ngọt mềm. Khi luộc chú ý nhiều nước và sôi già mới thả rau vào, luôn mở vung. Sau vài dạo sôi khoảng 1,5-2 phút thì gắp ra, rải lên rổ tre thưa mắt để rau không bị nồng. Tùy theo khẩu vị và nguyên liệu mỗi vùng miền mà đánh/dầm nước rau muống với me, sấu hoặc vắt chanh vào.
Rau muống xào tỏi
Rau muống và tỏi sinh ra như để 'dành cho nhau', đặc biệt trong món xào. Tỏi phi dậy mùi thơm, vị cay tính ấm trong tỏi cân bằng tính hơi lạnh của rau muống như bài thuốc quý, tăng cường sức đề kháng.
Có nhiều cách xào rau muống để giữ màu xanh mướt, giòn ngon. Ở các nhà hàng thường luộc chín tới, ngâm nước đá lạnh giữ rau xanh giòn rồi phi mỡ lợn cùng 1/2 lượng tỏi băm, cho rau vào xào. Khi nào rau chín, thì cho tỏi còn lại để dậy mùi thơm. Người miền Trung thì xào bằng nồi, cho rau vào nồi đế dày, lửa lớn, thêm chút muối và nước, đậy vung. Khi rau xẹp xuống sau 1-2 phút thì mở vung, đảo qua, nêm nếm gia vị.
Ở một số vùng thì thêm chút mắm tôm, vài ba nhánh rau kinh giới, rau ngổ dậy mùi thơm lạ miệng, ăn tới đâu vắt vài giọt nước cốt chanh tới đó...
Bằng Lăng/Tiêu Dùng