TS. Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT TP. HCM cho biết ngành Nông nghiệp, Chăn nuôi - Thú ý chiếm một tỷ trọng nhỏ nhưng lại rất quan trọng đối với sự phát triển và thúc đẩy chung của toàn TP. HCM. “Nguồn nhân lực chất lượng trong Ngành Nông nghiệp, Chăn nuôi - Thú ý hiện nay là rất cần thiết, vì vậy việc kết nối bền chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp là sự thể hiện tính chủ động và gắn chặt với nhu cầu của xã hội là rất quan trọng”, TS. Đinh Minh Hiệp nói.
Theo TS. Hiệp trong bối cảnh hiện nay, không chỉ có kiến thức, kỹ năng chính là điều quan trọng. Bên cạnh việc xây dựng kiến thức thì phát triển kỹ năng chính là yếu tố không thể thiếu để khi ra trường sinh viên có thể tìm được một công việc tốt.
TS. Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT TP. HCM cho biết Nguồn nhân lực chất lượng trong Ngành Nông nghiệp, Chăn nuôi - Thú ý hiện nay là rất cần thiết.
“Định hướng trong tương lai thì nhóm ngành nông nghiệp, chăn nuôi làm sao có thể phát triển, tăng tỷ trọng trong môi trường đô thị cũng như phát triển được chất lượng của ngành nghề dần trở thành một dịch vụ của xã hội, có như vậy thì mới có thể nâng cao được giá trị. Vì thế các bạn sinh viên cần nâng cao chuyên môn, rèn luyện giữa tri thức và thực hành để có thể là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và khu vực phía Nam”, TS. Hiệp chia sẻ.
ThS. Nguyễn Phúc Khoa - Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. HCM cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành lương thực, thực phẩm TP. HCM vẫn tăng trưởng và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ tại thị trường nội địa. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thành phố khẳng định chỗ đứng trên thị trường; đồng thời, hướng đến kinh tế xanh để phát triển bền vững.
Theo ông Khoa, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành lương thực, thực phẩm, ngành chăn nuôi vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Điều đó thể hiện qua việc những năm gần đây ngành chăn nuôi phát triển cả về quy mô và tính chuyên môn hóa, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dịch chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp, trang trại cũng như hệ thống quản lý Nhà nước đang có nhu cầu rất lớn nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y. Đây là cơ hội rất lớn cho sinh viên theo học các chuyên ngành đặc thù này”, Ông Khoa nói.
Về phía đơn vị tuyển dụng, ông Nguyễn Anh Dũng - Đại diện Lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ, xu hướng ngành chăn nuôi - thú y hiện nay nói chung là cung không đủ cầu.
Theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, ông Dũng dẫn chứng khi học xong THPT các bạn thí sinh có xu hướng chọn học ngành kinh tế nhiều hơn chứ chưa hướng về ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thú y.
“Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang liên tục phát triển theo dạng mô hình hóa và đặc biệt, hiện nay mọi người đang hướng về nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy nguồn nhân lực đang là một vấn đề cấp thiết mà nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang gặp phải. Hàng năm C.P. rất mong muốn tuyển dụng được các bạn sinh viên để đảm nhiệm các vị trí công việc trong lĩnh vực thú y - chăn nuôi. Vị vậy mong muốn sinh viên của mình sẽ mạnh dạn ứng tuyển vào nhiều vị trí mà công ty đang tuyển dụng bao gồm cả các vị trí thực tập”, ông Dũng thông tin.
“Để tuyển dụng được các ứng viên tiềm năng, tiêu chí mà C.P. mong muốn về các bạn sinh viên là mức độ phù hợp về kiến thức chuyên môn và sự gắn bó lâu dài của bạn. Các kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp các bạn thăng tiến trong công việc. Đồng thời mục đích trong công việc rõ ràng là một điểm rất quan trọng trong tiêu chí lựa chọn”, ông Dũng lưu ý với các bạn sinh viên.
Với vai trò là đơn vị đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP. HCM chia sẻ: “Thông qua ngày hội việc làm, chúng tôi mong muốn rằng hoạt động liên kết giữa trường và các doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, để nhà trường tăng cường tính ứng dụng của các chương trình đào tạo, nắm bắt kịp thời và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của người học và tiêu chí tuyển dụng lao động của doanh nghiệp”.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP. HCM phát biểu tại Ngày hội Triển lãm công nghệ và Tuyển dụng khối ngành Thú y - Chăn nuôi năm 2023
Tham dự ngày hội, Nguyễn Ngọc Phương Yến (năm nhất, khoa Thú y - Chăn nuôi, trường ĐH Công nghệ TP. HCM) chia sẻ: “Được cọ xát trực tiếp với các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn, tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp để biết doanh nghiệp cần những gì và tìm kiếm điều gì ở các ứng viên. Từ đó, mình sẽ nhìn nhận bản thân xem mình còn thiếu xót những điều gì để khắc phục và phát triển những thế mạnh của bản thân trong thời gian tới”.
Với Phạm Cát Tường (năm 3, ngành Thú y, khoa Thú y - Chăn nuôi) khi đến ngày hội ngoài tìm kiếm cơ hội làm việc cho tương lai, Tường còn mong muốn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp từ các nhà tuyển dụng thông qua các hoạt động tìm hiểu và phỏng vấn thử: “Mình muốn thử sức mình với lĩnh vực kỹ thuật viên của các trang trại nên đã tìm hiểu thử công việc của kỹ thuật viên trang trại sạch của công ty Quế Lâm. Qua đây mình mới biết có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho ngành học của mình”.
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc chương trình, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM (HUTECH) đã ký kết hợp tác “Đào tạo nguồn nhân lực gắn liền với nhu cầu của Doanh nghiệp” cùng Công ty Thương mại Dịch vụ An Việt Tiến, Công ty TNHH Ceva Animal Health Việt Nam, Công ty CEVA Việt Nam. Cũng trong chương trình, Công ty TNHH Phát Triển Vaccine CTCVAC (Hàn Quốc) thực hiện nghi thức ký kết Dự án Hợp tác nghiên cứu với Khoa Thú y – Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM, mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu, trải nghiệm và nghề nghiệp cho sinh viên.
Cũng trong Lễ khai mạc, Tập đoàn GREENFEED Việt Nam trao tặng 05 suất học bổng “Hạt giống tài năng” (5.000.000đ/suất, tổng trị giá 25.000.000đ) cho sinh viên vượt khó học giỏi; Tập đoàn Quế Lâm trao tặng 05 suất học bổng (3.000.000đ/suất, tổng trị giá 15.000.000đ) cho sinh viên năm cuối hiếu học có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Hiếu Thượng/Tiêu Dùng - Kinh tế & Đô thị