Lễ ra mắt xuất khẩu chuối tươi tại Đồng Nai ngày 22/2/2023
Đây là cũng lần đầu tiên tại Đồng Nai tổ chức hội thảo quy mô về chuối tươi xuất khẩu, với sự tham dự của nhiều đối tác, khách hàng. Trong đó có ông Lê Viết Bình - Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các hợp tác xã trồng chuối tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo, tỉnh Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất với 13.149 ha (chiếm tỷ lệ 8,53%) và chiếm đến 70% diện tích chuối khu vực Đông Nam Bộ. Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của Đồng Nai và có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500 ha.
Diện tích cây chuối ở Đồng Nai phân bố trên khắp các địa bàn trong tỉnh, tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán với năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha (trong khi tiềm năng có thể đạt từ 50 - 55 tấn/ha) và sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm, trong đó có hơn 80 % xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đại diện các nước thị trường xuất khẩu chuối, lãnh đạo các tỉnh thành cùng cắt băng ra mắt xuất khẩu chuối tươi tại Đồng Nai, ngày 22/2/2023
Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, kế đến chuối sứ, chuối cau và thu nhập bình quân 1 ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Chuối được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Hiện tại Đồng Nai đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng với diện tích 5.669 ha (43% diện tích chuối của tỉnh) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm