Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Thái Bình giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 55.000 đồng/kg. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang được thu mua với mức 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định đang ở mức thấp hơn 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 22/4/2023: Nguyên nhân nào khiến giá heo tăng? Ảnh: Hoàng Linh
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng giá heo hơi được thu mua với mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đạt mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh giá heo hơi đồng loạt tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng giá heo hơi đang ở mức thấp nhất cả nước 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, từ sau Tết đến nay, sau thời gian "neo" ở mức 47.000 đồng/kg, bất ngờ từ hôm cuối tuần qua, giá heo hơi tăng lên 50.000 - 51.000 đồng/kg và đến nay tăng lên tới 55.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do các công ty chăn nuôi lớn đều tăng giá heo hơi với mức từ 55.000 - 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi sẽ bớt thiệt hại về giá thành sản xuất chứ chưa khôi phục lượng giảm đàn do dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, suốt thời gian qua, giá heo hơi xuống thấp, các đơn vị chăn nuôi không có lời, cộng với thị trường chưa có gì để cầu tăng cao. Nếu các công ty chăn nuôi không tăng giá heo hơi sẽ thiệt hại nhiều hơn vì người tiêu dùng đang mua giá bán lẻ cao, trong khi người sản xuất không có lời. Điều này buộc giá heo hơi tăng lên để kích thích thị trường sôi động, nhất là trong dịp 30/4 và 1/5 sắp tới.
"Cách đây hơn một tháng, mỗi một con heo xuất chuồng, người chăn nuôi lỗ từ 700.000 - 1.000.000 đồng/con. Đến nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như “xóa sổ” một phần vì dịch tả heo châu Phi đe dọa phải giảm đàn, một phần do heo hơi bán dưới giá thành sản xuất, không có lời.
Do đó, những ai không còn vốn, không cầm cự được buộc phải treo chuồng. Đối với những trang trại có quy mô tương đối lớn, tổng đàn của trang trại cũng chỉ duy trì được 50% so với trước đây", ông Nguyễn Kim Đoán nói.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có 2,6 - 2,8 triệu con heo, trong đó nông dân nuôi heo chiếm 20 - 30%. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gần 70% nông hộ đã bị “xóa sổ”.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang hướng đến chăn nuôi công nghiệp và chỉ có khuyến khích nuôi heo đặc sản như heo đen, heo mọi… để làm kinh tế địa phương.
Còn theo thống kê của Cục chăn nuôi và trồng trọt, năm 2017, cả nước có 10 triệu hộ nông dân chăn nuôi heo, sang năm 2020 còn 4 triệu hộ chăn nuôi và đến năm 2023 chỉ còn 2 triệu hộ. Theo Cục, do nhu cầu thị trường thấp và nguồn cung dư thừa, cộng thị trường đang khó khăn nên phần lớn các hộ nông dân và doanh nghiệp giảm đàn.
Vì vậy, ngành chăn nuôi hy vọng năm 2024 giá heo hơi phục hồi, lúc này nguồn cầu có thể tăng khi nông dân tái đàn. Song song đó, nguồn cung từ các tập đoàn chăn nuôi lớn sẽ đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Minh Anh/Tiêu Dùng