Khó khăn vẫn đang phía trước

02/01/2023 00:05

Năm 2022, DN nhiều ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức lớn như đơn đặt hàng sụt giảm mạnh, khó khăn về vốn đầu tư trung, dài hạn. Điều này đã khiến nhiều DN rất vất vả để duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2023, các DN trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn còn rất lớn.

Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức

Thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng cho thấy, tính đến cuối năm 2022 tình trạng cơ hội thị trường và đơn hàng đang sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, sắt thép hay xi măng... Điều này sẽ tác động rất lớn đến các DN Việt trong năm 2023.


Công ty Vit Garment - Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Đinh Hồng Kỳ, hiện xuất khẩu vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang sụt giảm mạnh về sản lượng cụ thể: Xi măng giảm 30%; thép giảm tới 59%; gạch ốp lát do cầu giảm, lại chịu cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nên các nhà máy cũng cắt giảm sản lượng từ 30 - 50%. Do đó, hầu hết các nhà máy trong ngành vật liệu xây dựng đã phải đóng cửa bớt dây chuyền sản xuất và hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch Đinh Ngọc Đức, kể từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,1 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt gần 92 triệu lượt (cao hơn số lượng khách của cả năm 2019, trước dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ đón được 2,1 triệu lượt khách.

Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh chia sẻ: Từ cuối tháng 8, đơn hàng may mặc bắt đầu có dấu hiệu đứt gãy, nhiều doanh nghiệp sụt giảm tới 50 - 60% cho nên phải cắt giảm nhân công và thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí làm một ngày nghỉ một ngày.

May Hồ Gươm cũng đang cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy và không tăng ca, thêm giờ. Tình hình này dự báo có thể kéo dài đến hết Tết Nguyên đán hoặc nửa cuối tháng 3 năm sau. Hiện công ty đang nỗ lực tìm kiếm thêm các đơn hàng trong và ngoài nước, chấp nhận bù giá và lỗ cũng làm để bảo đảm có việc cho công nhân.

Khi mà DN đang gặp vô vàn khó khăn, mới đây Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, hiện một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm