Nồi áp suất điện là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nồi áp suất điện là loại nồi sử dụng nhiệt từ điện năng để đun nóng khí và tạo áp suất làm chín thức ăn. Nhờ đó, thức ăn được làm chín nhanh, đều và giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng bên trong.
Nguyên lý hoạt động của nồi là chuyển điện năng thành nhiệt năng. Mâm nhiệt của nồi tạo ra lượng nhiệt lớn làm nồi nóng lên. Đồng thời, hơi nóng trong nồi cũng tăng cao, nhưng không thể thoát ra ngoài, giúp áp suất tăng lên và nhiệt độ trong nồi lớn làm thức ăn nhanh chín.
Mặc dù áp suất nồi khá cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dùng, vì nồi có khả năng tự điều chỉnh nhiệt và thời gian, khóa khi chưa xả hết khí ra ngoài.
Những lưu ý khi sử dụng nồi áp suất điện
Nấu với lượng nguyên liệu thích hợp
Lí tưởng nhất là bạn cho vào nồi lượng thức ăn bằng 2/3 dung tích tối đa của nồi. Với các món có độ nở cao hay sủi nhiều bọt khi sôi thì chỉ nên dùng đến ½ dung tích nồi để tránh gây tắc hệ thống xả áp, vừa làm ảnh hưởng hoạt động của nồi mà vừa làm giảm chất lượng món ăn.
Đảm bảo sử dụng nguồn điện an toàn
Nếu nhà bạn có ổn áp thì mọi thiết bị điện gia dụng bao gồm cả nồi áp suất điện đều có thể cắm trực tiếp vào ổ điện rồi sử dụng mà không sợ phát sinh bất trắc gì.
Tuy nhiên để cho an toàn hết mức có thể, bạn nên cắm riêng nồi áp suất vào một ổ điện, tránh dùng chung ổ điện nối với các thiết bị khác như nồi chiên không dầu, lò nướng hay lò vi sóng vì tùy vào công suất hoạt động mà có thể chúng sẽ gây ảnh hưởng đến nhau.
Nhẹ thì thiết bị này sẽ bị đột ngột tắt khi thiết bị kia hoạt động, nặng thì có thể gây ra chập mạch và cháy nổ.
Kiểm tra nồi trước khi nấu
Nồi áp suất nói chung và nồi áp suất điện nói riêng đều có 2 bộ phận quan trọng nhất là van xả áp và gioăng cao su của nắp nồi, chúng chịu trách nhiệm chính cho việc kiểm soát áp suất của nồi trong khi nấu. Do đó trước mỗi lần sử dụng, bạn nên kiểm tra kĩ 2 bộ phận này, đảm bảo chúng vẫn sạch sẽ, không hư, không gỉ sét hay bị kẹt dị vật.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo mâm nhiệt của nồi không bị dính cặn bẩn, nắp nồi không bị cong vênh hay sứt mẻ, vỏ nồi (nhất là vị trí tiếp giáp phần nắp) không bị móp méo...
Nếu có bất cứ dấu vết hư hại nào bạn nên đem nồi ra trung tâm bảo hành hoặc cơ sở sửa chữa để thay thế các bộ phận trước khi chúng bị hư hỏng quá nặng, gây tổn hại đến nồi và gây nguy hiểm cho người dùng.
Không mở nắp đột ngột
Đối với nồi áp suất kể cả nồi cơ và nồi điện, thì mở nắp nồi đột ngột là một hành động cực kì rủi ro bởi có thể làm nổ nồi, đồng thời một lượng lớn áp suất và khí nóng sẽ dội thẳng vào mặt bạn gây bỏng nghiêm trọng.
Để hạn chế vấn đề này thì các nhà sản xuất luôn trang bị khóa an toàn cho sản phẩm của mình, do đó nếu bạn định mở nắp nồi mà mở không được thì tức là nồi đang bị khóa do áp suất bên trong nồi chưa được xả hết.
Lúc này bạn nên rút dây điện để nồi tự động xả áp, hoặc kéo van xả áp để xả áp thủ công, đến khi áp suất của nồi được xả hết thì bạn có thể mở nắp dễ dàng như thường.
Không sử dụng lòng nồi để nấu trên bếp lửa
Nếu bạn đang dùng nồi áp suất điện mà bị cúp điện trong khi món ăn vẫn chưa được nấu xong, thì bạn nên chuyển toàn bộ phần nguyên liệu sang một nồi bình thường khác để nấu tiếp trên bếp gas, tuyệt đối không bê nguyên phần lòng nồi bên trong ra sử dụng trực tiếp trên lửa, vì như vậy sẽ gây tổn hại lớp chống dính và gây biến dạng lòng nồi, dẫn đến không thể sử dụng được nữa.
Vệ sinh nồi sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng
Sau khi sử dụng xong, bạn đợi nồi nguội hoàn toàn rồi trút hết toàn bộ thức ăn ra ngoài, lấy lòng nồi trong ra rửa sạch để ráo, còn phần vỏ nồi thì dùng khăn ẩm lau chùi cho sạch sẽ.
Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh kĩ các bộ phận nắp nồi cả ngoài lẫn trong, van xả áp và gioăng cao su, đảm bảo không còn kẹt lại bất kì vụn thức ăn hay vết bẩn nào thì nồi mới hoạt động được bền lâu.
Theo Bằng Lăng/Tiêu Dùng