Những nguyên nhân phổ biến gây cháy, nổ xe ô tô

28/04/2023 16:11

Ô tô bỗng nhiên bốc cháy khi đang lưu thông trên đường là trường hợp mà ít ai có thể nghĩ đến. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra ô tô kỹ càng và thiếu kiến thức cần thiết về nguyên nhân cháy nổ xe, chiếc ô tô của bạn có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Dưới đây sẽ là những nguyên nhân mà bạn cần biết.

Hệ thống nhiên liệu bị rò rỉ

Xe ô tô sau thời gian sử dụng, hệ thống nhiên liệu có thể bị "lão hóa", nếu bị vật nhọn đâm cắt trong quá trình sửa chữa khiến nhiên liệu bị rò rỉ ra ngoài. Nhiên liệu xăng hoặc dầu thoát ra tiếp xúc với nhiệt độ nóng của phần ống xả, hoặc tia lửa điện đều có thể phát cháy, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây cháy xe.

Hệ thống nhiên liệu thường rất phức tạp và việc phát hiện sự rò rỉ thường khá khó khăn, không dễ để có thể tìm ra dấu hiệu cảnh báo. Trong khi đó, xăng là loại nhiên liệu rất dễ bắt lửa, ngay cả khi nhiệt độ chỉ còn 7,2 độ C, nó cũng dễ dàng bốc cháy chỉ với một tia lửa nhỏ. Vậy nên không gì có thể ngăn chặn được nếu nhiên liệu bị rò rỉ ngay khu vực ống xả hay động cơ. Khi phát hiện mùi nhiên liệu lọt vào trong khoang nội thất hay bên ngoài xe, chúng ta phải ngay lập tức kiểm tra và khắc phục, tránh việc khởi động xe hay tiếp tục di chuyển nhằm hạn chế sự cố cháy xe đáng tiếc.

cháy nổ xe ô tôẢnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Hệ thống điện bị hư hỏng

Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây cháy xe. Ắc-quy, pin xe hybrid, pin của những loại xe ô tô điện có thể điểm khởi đầu cho những rắc rối. Chu kỳ sạc của pin có phát sinh ra khí hydro trong khoang động cơ, kết hợp dòng điện được cung cấp từ pin bị hư hại và chạm chập, có thể tạo ra tia lửa điện đốt cháy hydro bị bốc hơi, hoặc nhiên liệu bốc hơi. Các mối nguy hiểm từ hệ thống điện nằm ở khắp nơi trên xe, từ khoang ca-bin, trên cửa xe, sàn xe, ghế ngồi… bị hư hại hay chuột tấn công.

Chất lỏng, phụ gia tràn ra ngoài

Ngoài xăng và dầu diesel, bên trong mỗi chiếc ô tô còn có: dầu nhờn động cơ, dầu truyền động, dầu lái, dầu phanh, thậm chí là chất làm mát động cơ. Tất cả các chất lỏng này lưu chuyển khi xe hoạt động, chúng có thể bắt cháy nếu đường ống bị nứt, hay bình chứa bị bể vì một lý do nào đó.

Những chất lỏng này rất hiếm khi bị tràn ra ngoài, nhưng một khi đã thoát ra âm ỉ thì nó tiềm tàng của những vụ tai nạn như mất phanh hoặc hệ thống lái trở nên thiếu chính xác, và khi xảy ra va chạm chúng có thể thoát ra nhiều hơn và gây cháy.

Phần lớn chất lỏng đều tập trung ở dưới nắp ca-pô và có thể bùng phát cháy ở đây, tuy nhiên có hai loại chất lỏng chạy dọc thân xe đó là: nhiên liệu và dầu phanh, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến hai chất lỏng này.

Động cơ quá nóng

Trong những ngày hè nắng nóng, giữa nhiệt độ không khí tăng cao cùng với việc xe hoạt động liên tục khiến nhiệt độ của động cơ xe ô tô nóng vượt mức cho phép và thâm chí có thể đạt tới hơn 500 độ C – mức nhiệt đủ sức đốt cháy bất kì chất lỏng nào chảy ra từ xe.

Hơn nữa, vào mùa hè – thời điểm thu hoạch vụ mùa, người dân thường xuyên phơi rơm rạ trên nhiều con đường ở vùng quê, khiến chúng dễ bị cuốn vào gầm xe. Cùng với nhiệt độ cao tỏa ra từ xe, rơm có thể bén lửa và bốc cháy là điều dễ hiểu.

Nhiên liệu “dởm”

Chất lượng của nhiên liệu cũng chính là một trong những yếu tố dẫn đến cháy nổ. Có nhiều trường hợp xăng dầu nhiễm tạp chất, bị pha chế hay phối chế thêm nhiều hóa chất khiến xăng bay hơi nhanh hơn bình thường. Điều này không chỉ khiến động cơ xe nhanh bị hỏn mà còn dẫn đến nguy cơ gây cháy nổ khi xăng, dầu tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tia lửa.  

Lỗi thiết kế

Không phải tất cả lỗi thiết kế cũng đều dẫn đến cháy xe, nhưng bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chiếc xe của bạn cũng có thể khiến hỏa hoạn dễ xảy ra hơn. Mặc dù vậy, xác suất của lỗi thiết kế gây cháy xe là rất thấp, chỉ dưới 1% trong tổng số các vụ cháy xe được thống kê.

Thông thường, các nhà sản xuất sẽ nắm được vấn đề này trước khi sự cố trở nên phổ biến, họ sẽ công bố lệnh triệu hồi những chiếc xe có nguy cơ cháy để khắc phục vấn đề.

Kể từ năm 2012 đến nay, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đã triệu hồi tổng cộng gần 12 triệu xe bao gồm cả xe chạy xăng và chạy điện trên toàn cầu do nguy cơ hỏa hoạn.

Bảo dưỡng cẩu thả

Lỗi của con người có lẽ sẽ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy xe ô tô. Nhưng việc quên hoặc lơ là chăm sóc xe đúng cách có thể gián tiếp dẫn đến cháy nổ.

Đặc biệt, nếu bạn cẩu thả trong việc bảo dưỡng, bảo trì xe thì chiếc xe của bạn có thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm dẫn đến cháy xe hơn. Theo cơ quan cứu hỏa Mỹ, lỗi kỹ thuật của người dùng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy xe.

Cách xử lý nhanh chóng khi xe ô tô bị cháy nổ

- Đưa người trong xe ra ngoài ngay lập tức.

- Tắt khóa điện, đậu xe ở chỗ vắng người qua lại và cách xa những nơi có chất dễ cháy như cây xăng, bếp lửa.

- Khóa ngay bình xăng nếu có thể (đối với các xe có thiết kế khóa xăng).

- Dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy

- Kêu gọi sự giúp đỡ và gọi cứu hỏa 114

- Trường hợp không có khả năng dập tắt đám cháy cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn.

Người dùng xe cần lưu ý gì để phòng tránh?

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ cháy xe là bạn nên thường xuyên kiểm tra các hệ thống ống dẫn nhiên liệu, hệ thống điện bằng và bảo dưỡng xe định kỳ đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Tránh "độ chế" hay lắp thêm các thiết bị điện, trong trường hợp cần nâng cấp các thiết bị điện trên xe như đèn, loa, màn hình giải trí,... nên chọn những thiết bị đảm bảo chất lượng và được thực hiện bởi những trung tâm uy tín để đảm bảo kỹ thuật.

Ngoài ra, bạn cũng hạn chế tối đa việc đỗ xe ngoài trời nắng nóng. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu xe đậu dưới trời nắng nóng trong khoảng 60 phút thì nhiệt độ taplo có thể tăng lên gần 70 độ C.

Cuối cùng, nếu bạn từng ngửi thấy mùi xăng trong hoặc xung quanh xe ô tô của mình, hãy tìm và khắc phục chỗ rò rỉ ngay lập tức.

Theo Lan Anh/Tiêu Dùng

Quảng cáo 2