Ngành bia, rượu kêu khó
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, cơ quan này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030 đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia. Với rượu dưới 20 độ, Bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026 say đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 quy định lộ trình tăng thuế từ năm 2016 – 2018.
Hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65% áp dụng từ năm 2018 đến nay.
Đề xuất tăng thuế rượu, bia để giảm lượng tiêu thụ những sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho biết, Hiệp hội và các DN trong ngành vô cùng bất ngờ với đề xuất tăng thuế TTĐB lần này trong bối cảnh các DN đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất. Đây là cú tăng sốc lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB đối với ngành bia, rượu.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, VBA cho biết, trong những năm gần đây ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm…
Cùng với đó, những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các DN ngành rượu, bia giảm sút sản lượng, doanh thu, ngân sách. Các DN rượu phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 70% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.
Theo lập luận của VBA, phần đánh giá tác động trong dự thảo của Luật chưa đề cập đến những tác động đầy đủ và toàn diện như vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung; đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Vì đây là một khung pháp lý vô cùng quan trọng đối với ngành đồ uống, vì vậy, khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật sẽ ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện hơn.
Trên cơ sở đó, VBA kiến nghị lùi thời hạn và giảm mức thuế, tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính. Về thuế suất, với rượu trên 20 độ, VBA đề nghị tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%; bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%. Việc tăng thuế TTĐB với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến DN trong ngành gặp khó khăn chưa từng có trong lịch sử.
Hạn chế tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe
Tình hình tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội. Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế, là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Theo Bộ Y tế khuyến cáo, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Chưa kể, rượu bia còn để lại nhiều hệ lụy khác cho xã hội như bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo…
Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49; gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Chưa kể, ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam của năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của Nhà nước.
Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuế rượu bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ; trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
Ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Về những khó khăn của DN, vị này cho rằng, DN sản xuất nên thực hiện tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu của xã hội và vì lợi ích lâu dài của thế hệ mai sau.
Đối với cơ quan quan quản lý, trước mắt cần triển khai những giải pháp bổ trợ hợp lý làm sạch thị trường, chống buôn lậu hiệu quả, giảm thất thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn triệt để hàng nhập lậu, sau đó mới điều chỉnh các chính sách thuế theo hướng siết chặt của Nhà nước nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc phân loại mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn phản ánh đúng vai trò khác nhau của từng chủng loại sản phẩm về kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần phải có lộ trình cho DN chuẩn bị, tránh tình trạng tăng thuế “sốc” gây tác động cực đoan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Phương Nga/Tiêu Dùng - Kinh tế & Đô thị