Đây là nội dung kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính của TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, diễn ra tại Hà Nội ngày 17/2.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính nên nghiên cứu cơ chế dùng trái phiếu đổi lấy BĐS
Thị trường BĐS phát triển “bất thường”
Phát biểu tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS hiện nay có hiện tượng "bất thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường BĐS lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường BĐS hiện nay, đó là: Theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường BĐS thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng (giá BĐS thế giới tăng khoảng 10 - 20% và của Việt Nam tăng khoảng 20 - 50%); Vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; Nguồn vốn rõ ràng bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua; Nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh; Và liên quan đến quan hệ cung cầu khiến cho việc giá cả chưa hợp lý.
Theo TS Cấn Văn Lực có 8 nhóm khó khăn, vướng mắc chính đối với thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, gồm: Khó khăn lớn nhất là môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn... trong khi một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy khiến nhiều dự án không thể triển khai, thời gian triển khai kéo dài, dẫn đến bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin...
Công tác quy hoạch, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập; Công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; Biến động về chi phí đầu tư, xây dựng trong khi nhiều đơn giá được ban hành, định mức chưa kịp thời; Nguồn vốn bị thu hẹp; Hoạt động thanh tra, kiểm tra và nỗi lo hình sự hóa vẫn còn; Cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng, cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý; Và một số khó khăn, thách thức bên ngoài như: lạm phát, lãi suất, tỷ giá, rủi ro khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh…
“Riêng về giá cả, hiện nay, giá BĐS của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc... trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ và cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)...” – ông Lực nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm