Cân nhắc giãn, hoãn nợ cho từng trường hợp, từng dự án bất động sản

19/02/2023 00:37

Doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) muốn được tái cơ cấu, giãn nợ để hỗ trợ thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên việc tháo gỡ thế nào tránh rủi ro cho các ngân hàng và cần được cân nhắc theo từng dự án, từng trường hợp.

Áp lực từ những khoản nợ đến hạn

Thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn ảm đạm, hàng loạt “ông lớn” kêu trời vì thiếu vốn. Các kiến nghị tập trung vào nới “room” tín dụng; hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện vay vốn; trong đó giãn nợ, hoãn nợ có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.


Ảnh minh họa

Sau thời kỳ DN tấp nập vay vốn, nhiều khoản vay đang có nguy cơ chuyển nhóm sang nợ xấu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân đi vay để mua BĐS lớn như khách sạn, nhà phố cũng đang gặp khó khăn và đối mặt với nguy cơ không trả được nơ. Bởi số tiền họ trả góp hàng tháng cho chu kỳ vay một phần đến từ thu nhập, một phần là tiền từ cho thuê các BĐS đó.

Việc các ngân hàng thương mại cho phép giãn trả nợ đối với DN, người đang thiếu nợ BĐS rất quan trọng. Với DN khó khăn, các hoạt động đều phải tạm ngưng, các dự án cũng ngừng triển khai, khả năng tiến độ chậm so với kế hoạch, thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh, hoạt động huy động vốn cũng khó khăn hơn,... Trong khi đó, DN vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn mỗi tháng và áp lực nặng nề hơn đối với những khoản nợ đến hạn.

"Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đến hạn, ngay lập tức các khoản vay này trở thành nợ xấu hoặc nhóm nợ xấu hơn, kéo theo DN lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn”- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu phân tích.

Ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho hay, dù chưa bị nhảy nhóm nợ, nhưng nếu tình hình không có gì chuyển biến, khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, DN này kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ. Đây cũng chính là kiến nghị của Novaland. Thậm chí, Novaland còn xin giãn nợ, cơ cấu nợ lên tới 36 tháng bởi biến động của thị trường trái phiếu DN khiến niềm tin của nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hỗ trợ lớn nhất và khả thi nhất của ngành ngân hàng với DN BĐS là giảm mặt bằng lãi suất. Còn các đề xuất khác của DN (như giảm hệ số rủi ro với BĐS, tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo khoản vay, hỗ trợ DN khả năng trả nợ trái phiếu…) nên cân nhắc tính toán do liên quan đến đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo NHNN, dư nợ tín dụng của lĩnh vực BĐS cuối năm 2022 đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Ngành ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu 1,81% - tăng nhẹ so với mức 1,67% hồi cuối năm 2021. Trước tình cảnh “bi đát” của lĩnh vực BĐS và những bài toán khó xử lý lúc này, nguy cơ nợ xấu có thể “phình” lên.

“Các DN cần thấu hiểu và chia sẻ với những cái khó riêng của ngân hàng thương mại vì ngân hàng cũng là DN, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh nên các bên cần cùng nhau giải quyết hài hoà lợi ích” - lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay. “DN BĐS hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các DN này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ” - ông Nguyễn Hưng phân tích.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm