Nhà đất ngoại thành Hà Nội: Thanh khoản giảm, giá vẫn cao ngất ngưởng

21/02/2023 11:26

Từ đầu năm 2023, thị trường nhà đất các khu vực ngoại thành Hà Nội ghi nhận có sự trầm lắng trong giao dịch. Một số nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn, khiến giá bán có giảm ở một số nơi nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn ở mức cao.

Giá sàn vẫn cao

Sau một thời gian sốt nóng, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 thị trường nhà đất khu vực ngoại thành Hà Nội: Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... rơi vào tình trạng ế ẩm, số lượng giao dịch giảm sút mạnh. Qua khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, do áp lực về lãi suất và đáo hạn ngân hàng phải chấp nhận giảm giá, cắt lỗ để thanh khoản sản phẩm, thu hồi vốn.

“Đất nền trong khu dân cư khu vực các xã Xuân Canh, Tiên Dương, Nguyên Khê... liền kề mặt đường rộng khoảng 4 – 5m, thời điểm sốt giá được rao từ 60 – 100 triệu đồng/m2, đến nay một số nhà đầu tư do phải đáo hạn ngân hàng đã chấp nhận bán với mức 40 – 60 triệu đồng/m2, nhưng lượng giao dịch rất ít. Còn những lô đất của nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thì vẫn im ắng, không thấy thông tin rao bán” – anh Trần Văn Thắng, môi giới nhà đất khu vực huyện Đông Anh cho hay.


Thị trường nhà đất ngoại thành Hà Nội thanh khoản giảm, giá vẫn cao. Ảnh: Công Hùng

Tương tự, các địa bàn như Hoài Đức, Thạch Thất, cũng ghi nhận có sự giảm giá ở những sản phẩm mà nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Cụ thể, một số vị trí đẹp thuộc các xã Kim Chung, Di Trạch, Lai Xá, An Khánh... đất mặt tiền giáp với đường ô tô con tránh nhau, cũng giảm từ 5 – 15 triệu đồng/m2, xuống còn 30 – 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nềndự án ở mức 20 – 25 triệu đồng/m2, giảm từ 5 – 7 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm 2022.

Đặc biệt, những khu vực đã có hạ tầng cơ sở, nay được kết nối với hạ tầng mới thì giá nhà đất vẫn “nhảy múa” bất chấp thị trường đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Thông qua các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, một số nhà đầu tư vẫn rất “chịu chơi” khi bỏ mức đấu giá cao ngất ngưởng.

“Trong phiên đấu giá quyền sử dụng 27 lô đất mới đây thuộc xã Uy Nỗ do huyện tổ chức, một số lô đã được trả giá lên tới xấp xỉ 170 triệu đồng/m2, cao gấp 1,5 lần so với mức giá khởi điểm mà đơn vị tổ chức đấu giá đưa ra” – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Không nên vội bắt đáy

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định bố trí gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN đầu tư kinh doanh BĐS và người mua nhà. Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất gói tài chính 110.000 tỷ đồng và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Nghị quyết phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Quảng cáo 2