Thủ đoạn lừa đảo thuê học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng

28/05/2024 18:20

Thủ đoạn lừa đảo chủ yếu của các đối tượng là ban đầu cung cấp cho học sinh điện thoại di động có sẵn SIM điện thoại để đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ InternetBanking, SMSBanking.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo học sinh THCS, THPT đã được cấp Căn cước công dân để mở tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những phương thức mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội phạm rửa tiền, đánh bạc nhằm đối phó với quy định của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước về siết chặt quy định về hoạt động thanh toán trực tuyến.

lừa đảo sms banking, sinh viên mở tài khoản ngân hàngẢnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Các đối tượng là cung cấp cho học sinh điện thoại di động có sẵn SIM điện thoại để đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ InternetBanking, SMSBanking.

Các đối tượng sẽ yêu cầu học sinh chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản, các thông tin tài khoản cho đối tượng. Mỗi tài khoản được mở thành công đối tượng sẽ trả cho học sinh, sinh viên 200.000-500.000đồng/tài khoản.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh cung cấp thêm dữ liệu khuôn mặt bằng cách chụp ảnh đầy đủ chân dung, khuôn mặt phục vụ việc nhận diện khuôn mặt để đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng.

Để ngăn chặn, phòng ngừa trường hợp người dân, đặc biệt là các học sinh-sinh viên có thể tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội phạm rửa tiền, đánh bạc, Công quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh khuyến cáo:

Người dân không thực hiện hành vi mua bán trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân.

Cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, khi bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng người dân cần báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân hay thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất. Qua đó, tránh được những rắc rối về pháp lý khi các đối tượng xấu sử dụng những giấy tờ này thực hiện hành vi, vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện bất kỳ hoạt động mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê tài khoản phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn hậu quả.

Những người cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên tới 7 năm theo quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, điểm a khoản 5, điểm b khoản 6 và khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng) quy định: Phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Lan Anh/Tiêu Dùng - Kinh tế Đô thị