Đó là chia sẻ của TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2023 do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 5/6, tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của gần 200 đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Phạm Hùng
Theo ông Mạc Quốc Anh, tính từ đầu năm đến ngày 30/4/2023, thành phố Hà Nội có 9.995 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 89.273 tỷ đồng (tăng 7,3% về số lượng doanh nghiệp và giảm 30% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.220 doanh nghiệp (giảm 2% so với cùng kỳ), 11.475 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 21% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 359.351 doanh nghiệp.
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme). Ảnh: Phạm Hùng
Tính chung 5 tháng qua, Hà Nội có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có 1,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ. Có 4,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một là các thủ tục về vay vốn khi ngân hàng thương mại yêu cầu phải có thế chấp tài sản, trong khi khu vực này nhiều doanh nghiệp tài sản không đủ điều kiện vay để hoạt động.
Thứ nữa là năng lực quản trị của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu. Tiếp đến là kỹ năng ra thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Các thủ tục, chính sách đôi khi chưa được tháo gỡ, mới đây Hà Nội khai trương hệ sinh thái trên nền tảng số.
Trong đó có phần mềm quản lý văn bản của Thành phố từ cấp phường, xã trở lên, để lãnh đạo cao nhất biết được đường đi của công văn được thực hiện như nào. Rõ ràng báo chí có tiếng nói góp ý làm sao để môi trường minh bạch, thông thoáng tạo điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sự kiện thu hút khá nhiều đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Khắc Kiên
“Công cuộc chuyển đổi số đang là vấn đề, số liệu mới chỉ có 20 - 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt tay vào chuyển đổi số. Hiện chúng ta đang bắt tay vào xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số, kinh tế số, trong đó doanh nghiệp số cần phải quản lý điều hành, bán hàng… trên nền tảng số. Con số đó cho thấy có quá ít doanh nghiệp coi trọng vấn đề này” - ông Mạc Quốc Anh chỉ ra.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó khăn vê xây dựng quan hệ với báo chí để xây dựng thương hiệu. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông đòi hỏi kỹ năng xử lý. Cùng với đó là kỹ năng tiếp xúc, huy động vai trò của báo chí đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững.
Tuy nhiên, báo chí cũng thể hiện vai trò hỗ trợ doanh nghiệp đòi hỏi sự quan tâm, lên tiếng, kiến nghị xây dựng chính sách thông thoáng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm… Muốn vậy báo chí và doanh nghiệp phải có mối quan hệ “cộng sinh”. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin cho báo chí, Hanoisme với vai trò của mình sẽ phối hợp với báo chí để lan tỏa các doanh nghiệp điển hình, mô hình kinh doanh hiệu quả để nhân rộng.
“Rõ ràng, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm” – vị này nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm vai trò của báo chí truyền thông đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân nói chung, ông Mạc Quốc Anh mong muốn tăng tính kết nối, lan tỏa giá trị tích cực.
Thứ nhất, tạo quan hệ gắn kết đồng hành hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, luôn xác định trách nhiệm xã hội, không ngừng cổ vũ đội ngũ doanh nhân, với khát khao xây dựng một Việt Nam hùng cường, mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng lòng tin, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hoạt động phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ ba, báo chí phải không ngừng xây dựng quy tắc chuẩn mực phóng viên, chuẩn mực đạo đức văn hóa nghề báo. Hạn chế tối đa những thông tin lệch lạc, không đúng thực tế. Thực trạng cho thấy chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp.
Theo Khắc Kiên/Tiêu Dùng - Kinh tế & Đô thị