Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena: Rủi ro tiềm ẩn khi “mù quáng” tin vào ChatGPT

08/02/2023 00:00

Theo Giám đốc trung tâm an ninh mạng Athena, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã khiến nhiều người sốt sắng dùng thử, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại. Bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có hành lang pháp lý nếu người dùng “mù quáng” tin – hành động theo thông tin từ ChatGPT.

Gần đây, ChatGPT có lẽ là từ khóa gây chú ý đối với nhiều người trên thế giới. Với khả năng trả lời một cách uyển chuyển, dùng câu từ có biểu cảm gắn kết với các tình huống khác nhau khi trả lời các câu hỏi do người dùng cung cấp, công cụ này đã thu hút hàng trăm triệu người dùng trong vài tháng qua và đang là “hot trend” trên những mạng xã hội, lẫn  truyền thông báo chí hiện nay.

chatgptRủi ro tiềm ẩn khi mù quáng khi tin vào ChatGPT

ChatGPT là gì?

Vào tháng 11/2022, công ty chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại TP San Francisco, bang California (Mỹ) đã ra mắt sản phẩm thử nghiệm chatbot ChatGPT, mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người với người. ChatGPT là một chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu các câu hỏi của khách hàng và tự động trả lời các câu hỏi này.

ChatGPT không chỉ là một công cụ để trò chuyện thông thường mà nó còn thành thạo nhiều việc phức tạp hơn, ví dụ như viết hoặc sửa mã (code) máy tính, viết bài đăng, email, báo cáo theo yêu cầu, thậm chí là viết luận văn, viết kịch bản cho chương trình truyền hình hay làm thơ, soạn nhạc. Điều đặc biệt là ChatGPT có khả năng “xào nấu” - tổng hợp, cắt ghép những nguồn thông tin sẵn có như sách, báo, văn bản, Wikipedia... có trên Internet để có những phản hồi, đáp ứng được câu hỏi yêu cầu của người dùng đưa vào ChatGPT. Tính đến 31/1/2023, chatGPT này đã đạt trên 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó thu hút 13 triệu người truy cập.

ChatGPT hiện được phát hành miễn phí, nhưng mới chỉ cho đăng ký hoạt động tại Mỹ, Canada và một số thị trường. Dữ liệu mà AI này sử dụng cũng chỉ được cập nhật tới năm 2021. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự lan truyền của ChatGPT sẽ giúp OpenAI có lợi thế tiên phong so với các công ty AI khác.

ChatGPT chưa hỗ trợ chính thức cho người dùng Việt 

Tại Việt Nam, mặc dù chưa được OpenAI hỗ trợ nhưng ngày càng có thêm nhiều người tìm cách để có thể đăng ký quyền truy cập ChatGPT.

Vào thời điểm này, ChatGPT đã hiểu và khá thông thạo tiếng Việt, thậm chí đã có thể viết bài, làm thơ bằng tiếng Việt.

chatgptChatGPT có thể mang lại lợi ích cho người dùng và doanh nghiệp nhưng công cụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù người dùng ChatGPT hiện nay hầu hết là do tò mò nhưng các nhà chuyên môn cảnh báo rằng sẽ rất sớm để xảy ra tình trạng lạm dụng, lợi dụng siêu chatbot này cho những mục đích xấu, thậm chí mang tính tội phạm. Trên Internet cũng đã có những thông tin về những vụ đánh lừa được ChatGPT để nó vượt qua luật lệ (của nhà phát triển) mà phục vụ cho ý đồ riêng của người dùng.

Tất nhiên, dù thông minh tới đâu thì ChatGPT vẫn chỉ là một công cụ công nghệ do con người tạo ra và công nghệ AI mà nó dựa vào, cho dù có siêu cấp độ đi chăng nữa, cũng vẫn là một bộ não do con người phát triển. Chính vì thế, ChatGPT vẫn bị lỗi, vẫn có thể sai và đáng nói là có thể bị con người điều khiển theo mục đích của họ.

Chẳng hạn, đối tượng xấu có thể dùng các công cụ AI như ChatGPT để tìm kiếm thông tin, thậm chí đưa ra giải pháp tham khảo cho mình. Đặc biệt hơn, với khả năng xử lý thông tin, dữ liệu “kinh khủng” của mình, ChatGPT chắc chắn sẽ gây ra những vấn đề về bản quyền tác giả. Người ta sẽ phải đối mặt với những tác phẩm nhẹ thì “nửa người, nửa máy”, nặng thì hoàn toàn do AI tạo ra nhưng ký tên người nào đó. Ngành giáo dục sẽ phải tìm cách xử lý những bài tập, bài luận có sự “tham gia” của AI.

Rủi ro về thông tin sai lệch do ChatGPT cung cấp

Với khả năng xử lý thông tin, dữ liệu “kinh khủng” của mình, các chuyên gia lo ngại rằng công nghệ này có thể bị đối tượng xấu  lạm dụng để dạy cho ChatGPT những thông tin sai lệch để phục vụ cho ý đồ riêng của kẻ xấu. Khi đó, khi người dùng đặt các yêu cầu cho ChatGPT thì rủi ro mà chatGPT cung cấp là lừa đảo, truyền bá thông tin sai lệch. Và thật là nguy hiểm khi người dùng tin và hành động theo những lời khuyên sai lệch của ChatGPT.

chatgpt

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc trung tâm an ninh mạng Athena, ChatGPT có thể mang lại cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một khung pháp lý vững chắc để đảm bảo AI đáng tin cậy dựa trên dữ liệu chất lượng cao.

Nguy cơ mất tiền, dính phần mềm gián điệp do ChatGPT giả mạo

Vì sự tò mò, muốn dùng ChatGPT có số lượng lớn và chưa hỗ trợ cho người dùng Việt Nam nên trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo vượt tường lửa, kết nối qua Mỹ, canada để cài đặt ứng dụng ChatGPT nhưng đa phần những liên kết này đều dẫn đến các ứng dụng giả mạo, khiến người dùng có nguy cơ gặp rủi ro về tài chính và dữ liệu.

Nhiều ứng dụng giả mạo ChatGPT “chính chủ”

Nhiều ứng dụng giả mạo ChatGPT trên App Store và Google Play hiện có hơn 100.000 lượt tải xuống, tuy nhiên một số đã bị Google và Apple gỡ bỏ sau khi nhận được báo cáo của các chuyên gia bảo mật.

Mới đây, OpenAI cũng đã ra mắt gói thuê bao trả phí ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng. So với phiên bản miễn phí, ChatGPT Plus cho thời gian trả lời nhanh hơn (thậm chí trong những khung giờ cao điểm) và người dùng sẽ được ưu tiên trải nghiệm các tính năng, cải tiến mới. Lưu ý, hiện tại ChatGPT Plus chỉ mới có sẵn cho người dùng tại Mỹ.

Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena: Rủi ro tiềm ẩn khi “mù quáng” tin vào ChatGPTChatGPT chính thức trên Google Play và App Store tương tự đều giả mạo

Nhiều rủi ro khi mua và cài đặt các ứng dụng giả mạo

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, sự phổ biến của ChatGPT trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã gây ra nhiều sự tò mò trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, do OpenAI chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam nên nhiều người phải nhờ đến các dịch vụ trung gian. Cũng từ đó mà các hội nhóm bán tài khoản ChatGPT không xác thực đã ra đời, yêu cầu người dùng chuyển khoản trước, chiếm đoạt tiền và chặn trao đổi sau giao dịch.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều quảng cáo mời gọi cài đặt ứng dụng ChatGPT và đa phần những liên kết này đều dẫn đến các ứng dụng giả mạo, không có giá trị pháp lý và có thể chứa phần mềm gián điệp.

"Khi phần mềm gián điệp nằm trên điện thoại, nguy cơ bị mất tài khoản Facebook, ngân hàng, theo dõi từ xa… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài việc hiển thị quảng cáo, các ứng dụng ChatGPT giả mạo còn yêu cầu người dùng trả phí hằng tháng với mức giá dao động 8-50 USD hoặc cung cấp thông tin thẻ VISA" - ông Thắng chia sẻ.

Nguy hiểm khi dùng ứng dụng giả mạo

Với thị phần hơn 60%, các thiết bị Android luôn là mục tiêu béo bở của tội phạm mạng.

Trước đây Bộ Công an cũng từng phát đi cảnh báo về những rủi ro khi dùng ứng dụng giả mạo. Về cơ bản, sau khi người dùng cài đặt, các ứng dụng giả mạo thường sẽ yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng, họ tên, số CCCD… với lý do giúp người dùng bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, nếu nhẹ dạ và làm theo, thông tin cá nhân của bạn sẽ bị thu thập, chưa kể đến việc tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử cũng có thể “không cánh mà bay”. Thậm chí, một số ứng dụng giả mạo còn chứa phần mềm gián điệp, thu thập nội dung tin nhắn, cuộc gọi… và chuyển về máy chủ của kẻ gian mà người dùng không hề hay biết.

Theo Trung Thắng/Tiêu Dùng