Từ đó có thể thấy, công tác phát triển NƠXH vẫn là bài toán nan giải và cần sự tiếp cận, hướng đi mới.
Nhiều sai phạm
Thực hiện kế hoạch thanh tra về việc chấp hành quy định kinh doanh bất động sản năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý hoạt động xây dựng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Trong đó thanh tra các nội dung như quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị... tập trung vào nhóm nội dung phát triển nhà ở xã hội.
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, qua công tác thanh – kiểm tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển NƠXH ở các địa phương.
Cụ thể, tại TP Hải Phòng không bố trí quỹ đất dành cho phát triển NƠXH trong 7 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng để làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết ở 7 quận: Đồ Sơn, Lê Chân, Ngô Quyền, Dương Kinh, Hồng Bàng, Kiến An và Hải An.
UBND TP Hải Phòng chậm xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2021 (đến năm 2019 mới ban hành) là thực hiện chưa kịp thời Chỉ thị số 03//2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về tổ chức thực hiện phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương bố trí thiếu 28,45ha quỹ đất dự kiến dành để phát triển NƠXH trong kế hoạch phát triển nhà được phê duyệt đoạn năm 2016 – 2021; không tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014; giai đoạn 2016 – 2021, không thực hiện trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển NƠXH trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2015/NĐ-CP...
“Trách nhiệm thuộc UBND TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương và cơ quan tham mưu liên quan. Kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị này” – văn bản kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.
NƠXH đang là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và đông đảo quần chúng Nhân dân. Thống kê báo cáo từ các địa phương của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2010 – 2021 cả nước xây dựng được 301 dự án NƠXH, cung cấp xấp xỉ 7,8 triệu mét vuông sàn nhà ở phục vụ nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp.
Hiện nay đang triển khai 400 dự án, tổng diện tích 22,7 triệu mét vuông sàn (tương đương 454.360 căn hộ). Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 – 2030, cả nước sẽ hoàn thành thêm ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế công tác phát triển NƠXH suốt thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp. Những bất cập về thủ tục hành chính (chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy định về quỹ đất cho NƠXH...); sự gò bó về cơ chế chính sách (giới hạn lợi nhuận kinh doanh NƠXH không quá 10%) hay cả việc xin – cho (cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ NƠXH sang nhà ở thương mại, nhà tái định cư)... đã tạo ra rào cản lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển NƠXH, dẫn đến tình trạng kham hiếm trầm trọng nguồn cung.
Vốn dĩ là sản phẩm nhà ở được sự hỗ trợ của Nhà nước, nay trở thành món hàng để người dân giành giật nhau. Còn nhớ sự việc mở bán dự án NƠXH Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cuối tháng 5 vừa qua, với chưa đầy 150 căn hộ nhưng có tới trên 1.400 hồ sơ đăng ký mua, dẫn đến việc người dân phải xếp hàng dài thâu đêm suốt sáng, giữa cái nắng 40 độ C để chờ đợi đến lượt bốc thăm mua nhà nên đã không tránh được cảnh chen lấn và cả xô xát xảy ra... Tất cả vấn đề trên đã bộc lỗ rõ những bất cập của công tác phát triển NƠXH thời gian qua.
Trách nhiệm người đứng đầu
Thời gian qua, công tác quy hoạch liên quan đến phát triển NƠXH đã nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực. Hầu hết các địa phương đều bố trí những khu đất có vị trí đẹp, gần trung tâm dành cho dự án nhà ở thương mại, hạng sang, siêu sang, đẩy dự án NƠXH ra xa trung tâm.
Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với các nước phát triển (nơi các dự án dành cho người giàu phải ra ngoài khu vực trung tâm), dẫn đến việc nhiều dự án NƠXH xây dựng lên nhưng không bán được hàng do thiếu hạ tầng tiện ích, kéo theo tình trạng thiếu nguồn cung.
Bên cạnh đó, những dự án NƠXH được bố trí gần với trung tâm lại có quy mô nhỏ lẻ nên xảy ra việc giành giật mua nhà. Không ít dự án mặc dù quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư là NƠXH nhưng sau đó chủ đầu tư lại tìm cách chuyển đổi thành nhà ở thương mại nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận.
Ngoài ra, câu chuyện về quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại dành cho NƠXH cũng không được thực hiện nghiêm túc, bởi cơ chế cho phép nộp tiền mặt để chuyển đổi... Vấn đề này được lý giải rằng không thể để người nghèo sống cùng với người giàu vì không đủ tiềm lực tài chính chi trả dịch vụ.
“Tôi cho rằng cần phải xây dựng mô hình mang tính hiệu quả hơn, nếu cứ quan điểm như thế sẽ thành phân biệt giai cấp. Ví dụ ở Thụy Điển, họ lấy mục tiêu để người nghèo ở với người giàu, để người nghèo có mục tiêu phấn đấu vươn lên và chính người nghèo cung cấp nguồn lực cho người giàu nên đã bố trí số lượng căn hộ tiêu chuẩn, đan xen vào trong từng tầng của dự án nhà ở thương mại dành cho người thu nhập thấp với các ưu đãi, hỗ trợ riêng của Nhà nước sẽ giúp giảm dần khoảng cách và để người nghèo có động lực vươn lên” - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.
Còn theo chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh, chính sách phát triển NƠXH đã được Nhà nước ban hành đầy đủ nhưng từ những sai phạm qua công tác thanh tra đối với các địa phương liên quan đến công tác phát triển NƠXH có thể thấy rằng vấn đề đang nằm ở khâu thực thi.
“Vì vậy, người đứng đầu mỗi địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân mình trong công tác chỉ đạo lập, bổ sung, chỉnh sửa, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể đối với từng dự án NƠXH phục vụ theo nhu cầu của địa phương, từ đó sẽ dần khắc phục được những bất cập liên quan đến công tác quy hoạch phát triển NƠXH.
Còn những vấn đề về cơ chế ưu đãi, bố trí nguồn vốn... là trách nhiệm của bộ, ngành liên quan, các bên thống nhất được phương thức thực hiện sẽ tháo gỡ triệt để những khó khăn hiện nay” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu
Theo Mai Vân/Tiêu Dùng