Nền tảng xuyên biên giới phải xử lý tin xấu, độc trong vòng 24 giờ

11/04/2023 15:56

Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT&TT đặt ra nhằm bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Tiktok … phải tuân thủ pháp luật Việt Nam trong vấn đề xử lý nội dung xấu, độc.

Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 512/QĐ-BTTT Về việc ban hành Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, việc duy trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề xử lý tin xấu độc được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Tin xấu độc phải được xử lý trong vòng 24 giờTin xấu độc phải được xử lý trong vòng 24 giờ

Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) sẽ được giao nhiệm vụ thường xuyên tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc trên môi trường mạng.

Yêu cầu bắt buộc với các nền tảng xuyên biên giới trong việc chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao (90-95%) cùng thời gian xử lý trong vòng 24 giờ. Có thể khóa trang, kênh nếu có vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT cũng phụ trách phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store. Việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam phải được hoàn thành chậm nhất là tới tháng 9/2023.

Đồng thời, Cục cũng được giao thường xuyên định hướng, chỉ đạo trực tuyến mạng lưới trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có lượng người truy cập lớn. Đồng thời, có quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ, người nổi tiếng trên mạng có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Cũng tại Quyết định số 512, Bộ TT&TT đã đề ra hàng loạt mục tiêu chiến lược khác cho ngành phát thanh, truyền hình. Có thể kể đến như: 80% người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; Tăng doanh thu dịch vụ của các đài phát thanh, truyền hình từ 9.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng; Tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6000 tỷ đồng …

Đối với lĩnh vực thông tin điện tử là xử lý từ 80% trở lên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội có hoạt động “báo hóa”, tiến tới xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới đạt từ 90% - 95%. Đồng thời, thị phần quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp trong nước tăng từ 5-10% …

Theo Hà Thanh/Kinh tế & Đô thị