Trái phiếu doanh nghiệp đang phát hành 14% không phải là lãi suất cao!

01/12/2022 09:44

Đó là nhận định của TS.Đinh Thế Hiển tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo nói trên, Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, phân tích: trên thế giới, quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam, quy mô các quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022. Giá trị quỹ mở đầu tư ở Việt Nam khoảng 18.717 tỉ đồng so với 1.200 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, tương đương khoảng 1,6%.


Toàn cảnh Hội thảo: "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh 

Các quỹ đầu tư thường chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao (chỉ số tín nhiệm theo S&P là AAA). Các danh nghiệp này do có uy tín nên việc phát hành TP có lãi suất thấp hơn lãi vay từ ngân hàng. Một trong những dấu hiệu để nhận định TPDN an toàn là lãi suất không cao quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. 

“Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doạnh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toan, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư” – ông Hiển nói và nhấn mạnh, thực tế mức lãi suất 14% không cao, thậm chí là thấp, rất thấp.

“Rất nhiều ý kiến đánh giá nhà đầu tư cá nhân vì ham lợi nhuận cao nên mới đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, dám mua thì phải dám chịu…Tuy nhiên, thực tế, mức lãi suất 14% là không cao, ngược lại thấp rất thấp. Đơn cữ như trường hợp của Tập đoàn K.O, từng gây xôn xao mạng xã hội với “câu chuyện đi vay” có thế chấp tài sản nhưng lãi suất 3%/tháng, 6 tháng 18%, như vậy 1 năm là 36%. Ở đây không phải tín dụng đen, những người cho vay và những người vay đều là người tử tế trong hợp đồng thuận mua vừa bán. Nói như vậy để thấy rõ ràng, trái phiếu doanh nghiệp không có tín chấp 14% là thấp” – ông Hiển phân tích.

Từ đó, ông Hiển cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân không phải vì ham lãi suất cao, họ không phải là người đi tìm lãi suất cao, đơn giản họ chỉ đi tìm một mức lãi suất hợp lý hơn tiền gửi ngân hàng.

“Năm 2019 trở về trước, trái phiếu doanh nghiệp ở mức hợp lý, lãi suất khoảng 8,5%. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có lãi suất cao, vượt qua lãi suất cho vay ngân hàng, đi vào khung lãi suất trái phiếu có rủi ro” – ông Hiển nói thêm.


TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lụt thanh khoản” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp một phần do lỗi của công ty chứng khoán và ngân hàng 

Vì thế, ông Hiển đề xuất để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, cần tách trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính với trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh đồng thời phát triển các quỹ mở đầu tư trái phiếu.

Ở góc nhìn tương tự, ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng.

“Các tổ chức này, để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm” - ông Danh nhận định.

Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp.

Trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp.  Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.

Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. 


Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm