Để phát triển, tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều phải thay đổi mô hình tổ chức cho phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, dựa trên những luận cứ khoa học quản lý. Nhưng việc sát nhập của của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nói chung và hệ sức kéo nói riêng lại không như vậy, hết tách lại nhập, sau nhập lại tách, liện tục diễn ra trong thời gian ngắn.
Phó Tổng Giám đốc Ngô Cao Vân tặng trướng, khẳng định sự lớn mạnh của Đầu máy Đà Nẵng sau 40 năm phát triển (2016)
Khắc xuất - khắc nhập
Tổ chức của đường sắt của Việt Nam từ 2003 đến nay như câu chuyện “Cây tre trăm đốt” mà bất cứ người Việt Nam nào đều thuộc lòng.
Hãy nhìn từ năm 2003, khi đường sắt thành lập 3 công ty vận tải bao gồm cả sức kéo thì 2008, tách riêng 5 đơn vị đầu máy thành lập Liên hiệp sức kéo Đường sắt. Đến 2014, giải thể Liên hiệp sức kéo Đường sắt chia 5 đơn vị đầu máy về 2 công ty vận tải. Chỉ 1 năm sau, năm 2015 lại điều chuyển 5 đơn vị đầu máy về trực thuộc VNR và giờ đây năm 2022 lại sát nhập 5 đơn vị đầu máy thành 3.
Tính ra 19 năm, ngành đường sắt đã 5 lần tách - nhập 5 đơn vị sức kéo và nhiều người còn lo ngại với cách làm này còn chưa dừng lại ở đây. Điều khá lạ, đều là phương tiện đường sắt nhưng Tổng công ty đường sắt (công ty mẹ) chỉ thích nắm sức kéo, còn sức chở (toa xe) lại giao cho 2 công ty vận tải, khiến 2 công ty con như kiểu “đi cày không có trâu”. Loay hoay mãi, cũng không tài nào giảm được chi phí vận tải vì sức kéo lại do công ty mẹ quản lý, khó thế chứ!
|
Những thay đổi sáp - nhập, giải thể như thế vô hình trung đã biến VNR trở thành tổng công ty có số lần thay đổi tổ chức nhiều nhất trong 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều người cảm nghĩ, dường như ngành đường sắt…chỉ lo sáp nhập, giải thể và liên tục làm mới tổ chức.
Điều này có lý khi VNR bố trí hẳn Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VNR kiêm cả Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy lẫn chuyên môn, điều mà các tập đoàn, tổng công ty lớn hiếm khi thấy. Thậm chí khi Đảng ủy VNR khuyết chức danh Bí thư thì Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VNR vẫn đảm nhận mảng tổ chức (?!). Công tác tổ chức của VNR trở nên “kín đáo” hơn, nhiều HĐTV Tổng công ty khi được thông báo mới ngớ người ra.
Đầu máy Đà Nẵng, một thời dĩ vãng
Đối với người lao động Đầu máy Đà Nẵng, ít ai ngờ đến việc sau hàng chục năm gắn bó, đến nay phiên hiệu Đầu máy Đà Nẵng (thành lập năm 1976) đã bị xóa sổ. Những phát biểu của ông Lương Văn Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VNR; Ngô Cao Vân, Phó Tổng Giám đốc VNR kiểu “đường sắt còn, đầu máy Đà Nẵng còn”…giờ chỉ còn nằm trong ký ức!
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm